Từ những chiếc sừng thô cứng nhưng qua bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo trí tưởng tượng phong phú, những người thợ Thụy Ứng đã cho ra đời hàng loạt những sản phẩm tinh xảo như: Khung tranh, ảnh nghệ thuật, long phượng, tẩu thuốc, quân cờ, môi thìa… được khắp nơi ưa chuộng. Lúc đầu, chiếc lược có hình vuông, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi. Nguyên liệu làm lược cũng vậy, đầu tiên bằng gỗ bưởi, sau chuyển sang làm bằng sừng vì làm bằng sừng, chiếc lược chẳng những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu. Những chiếc lược sừng của Thụy Ứng từ thời đó đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Lược xưa chỉ có một loại răng đều nhau, sau có cả loại lược răng mau, răng thưa. Hình của chiếc lược cũng đa dạng hơn. Liên tục trong hàng mấy chục năm của thập kỷ 50, 60, 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã làm quen với chiếc lược sừng đen, chiếc lược bí sừng màu ngà vàng. Có thể nói, Thụy Ứng gần như là nơi chính cung cấp lược chải đầu cho hầu hết dân ở các tỉnh miền Bắc.
Trông chiếc lược sừng đơn giản như vậy nhưng để làm ra nó phải trải qua tới ba mươi công đoạn từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn,… rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tinh mắt vì chỉ cần sơ ý một chút là toàn bộ công sức trước đó sẽ “đổ sông đổ bể”. Tất cả các công đoạn làm chiếc lược sừng đều được chính bạn tay thợ làng nghề làm thủ công. Sừng trâu mua về phải được rút lõi cứng ra, sau đó hơ lửa hoặc luộc sừng trong dầu để làm mềm. Tiếp theo, người thợ dùng máy ép thủy lực để ép sừng cho bẹp, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi. Từ phôi, người thợ sẽ chế tác thành các sản phẩm như: lược, thìa, bát, móc khóa, trâm cài tóc… Các sản phẩm thô này sau đó được đánh bóng và cuối cùng sẽ có màu đen bóng tự nhiên. Răng lược được ra công trực tiếp bằng tay nghệ nhân. Cuối cùng là chạm khắc khéo léo những họa tiết làm đẹp cho chiếc lược hoàn chỉnh, có tính thẩm mỹ cao. Sừng bò cũng được chế biến tương tự như sừng trâu, nhưng sẽ có màu vàng đặc trưng. Vì vậy, sừng bò chủ yếu được dùng để làm các sản phẩm mỹ nghệ.
Những năm chiến tranh, những chiếc lược Thụy Ứng theo chân bao nhiêu anh bộ đội, đoàn dân công ra chiến trường; là một trong những món quà tình nghĩa mà người hậu phương gửi ra tiền tuyến. Rồi khi chiến tranh ngày càng lan rộng, một phần vì không có nguyên liệu, một phần vì người dân trong làng đi sơ tán hết nên nghề làm lược sừng đành phải gián đoạn. Hoà bình đến, cũng là lúc những người dân Thuỵ Ứng lục đục kéo nhau về làng, nhưng nhà nào cũng nghèo xơ, nghèo xác. Làm ruộng, cày thuê cuốc mướn rồi đi làm ăn xa…, nhưng quanh năm vẫn không đủ ăn. Nhiều người muốn quay về với nghề cũ, nhưng thời bấy giờ, ai còn dùng những chiếc lược sừng nữa khi mà những chiếc lược bằng nhựa vừa rẻ vừa bền đã chiếm lĩnh khắp nơi. Người ta bảo nhau làm cũng chỉ để cầm cự qua ngày chứ trở lại thời kỳ hưng thịnh như xưa thì không ai dám nghĩ tới. Cứ như vậy làng nghề Thụy Ứng tưởng như chết đã mấy chục năm. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn. Vốn bản chất cần mẫn, chăm chỉ và sáng tạo, người dân Thụy Ứng hiểu ngay ra rằng: nếu không đổi mới, nghĩa là sẽ chìm hẳn. Thời buổi kinh tế thị trường phải năng động và nắm thời cơ. Thế là, cũng vẫn là những chiếc sừng trâu, sừng bò…, nhưng người dân không chỉ sản xuất ra đơn thuần là những chiếc lược nhỏ xíu nữa mà bao gồm rất nhiều vật dụng khác, trông vừa tinh xảo lại vừa đẹp mắt. Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề Thụy Ứng đã hầu hết có mặt ở khắp các tỉnh, thành cả nước, nhất là trong các cửa hàng mỹ nghệ tại các thành phố lớn. Các mặt hàng này còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ, Singapo, Campuchia, Thái Lan…